Làm thế nào khi con nghiện game?
CON NGHIỆN GAME VÀ INTERNET, BA MẸ PHẢI XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Muốn giải quyết một cách căn bản vấn đề “nghiện mạng Internet” của trẻ, chỉ có thể bắt đầu từ giáo dục gia đình. Đòi hỏi bố mẹ phải thay đổi phương châm giáo dục và phương pháp giáo dục của mình một cách căn bản. Không có sự thay đổi của bố mẹ, sẽ không thể có sự cải thiện của con trẻ.
Chúng ta thường xuyên đọc được những bài báo nói về thanh thiếu niên say sưa với trò chơi điện tử không thể dứt ra được. Nhìn từ bề ngoài vấn đề đều nằm ở thanh thiếu niên và các trò game, nhưng qua mỗi bài báo đều có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận thấy những khiếm khuyết trong giáo dục gia đình. Các “hành động tích cực” mà rất nhiều bậc phụ huynh áp dụng cho thấy họ hết lòng với con cái biết bao, chỉ tiếc rằng các biện pháp này chứa đầy yếu tố phản giáo dục, phản khoa học – tức là những hành vi phản giáo dục, phản khoa học này không những khiến sự cố gắng của bố mẹ không đạt được kết quả gì (cùng lắm chỉ đạt được hiệu quả tạm thời, bề ngoài), lại còn khiến trẻ càng lún càng sâu.
Muốn giải quyết một cách căn bản vấn đề “nghiện mạng Internet” của trẻ, chỉ có thể bắt đầu từ giáo dục gia đình.
Một là bố mẹ phải có thái độ đúng đắn với game online, bình thản tiếp nhận nó chỉ là một trò chơi của con trẻ, là một phương thức vui chơi giải trí. Không nên để trẻ cảm thấy có tội hoặc áy náy khi chơi game, không nên để thái độ của bạn kích động tâm lý đối nghịch ở trẻ. Tâm lý đối nghịch chỉ khiến trẻ càng ham chơi hơn.
Hai là để trẻ có hoạt động đọc sách ngoài giờ học phong phú. Cho dù là trẻ em hay người lớn, bất kỳ sự buông thả nào đều có liên quan với sự trống trải trong tâm hồn và suy đồi trong đạo đức. Chỉ ở những đứa trẻ có tinh thần trống rỗng, game online mới biến thành liều thuốc phiện. Hoạt động đọc sách ngoài giờ phong phú sẽ khiến thế giới tinh thần của trẻ trở nên phong phú, chúng sẽ trở thành những đứa trẻ thông minh hơn, lý trí hơn, hình thành nên ý thức đạo đức tốt hơn, sức mạnh dữ dội của nó sẽ chiếm lĩnh mặt trận, không để lại nhiều không gian cho game. Một đứa trẻ ngay từ nhỏ đã có thói quen đọc sách tốt, đối với trẻ, hoạt động đọc sách có sức hấp dẫn vô cùng, sẽ làm chúng thờ ơ với game.
Ba là để trẻ học được cách tự quản lý mình. Đây là điều then chốt, cũng là điều khó nhất. Hầu hết những đứa trẻ nghiện game online, đặc điểm chung của bố mẹ chúng là thường xuyên đi “quản” con trẻ, không ngừng đưa ra những yêu cầu mang tính hạn chế đối với trẻ. Mục đích của họ cũng là muốn để cho trẻ học được cách tự quản lý mình, liền thường xuyên nói với trẻ rằng con nên như thế này, như thế kia. Nhìn những điều mà bố mẹ sắp xếp cho con, đúng là rất tốt, rất hợp lý. Chính vì bố mẹ tin rằng những cái mà mình sắp xếp sẽ biến thành sự sắp xếp của trẻ, chính vì thế không ngừng nhắc nhở đến lúc làm việc này rồi, đến lúc làm việc kia rồi. Thực tế là, nếu bạn gánh vác hết mọi sự “quản lý”, làm sao con trẻ còn cơ hội nào để học cách tự quản lý mình nữa.
Bốn là trong các hành động, lời nói cụ thể nên vận dụng nhiều lối tư duy theo chiều ngược, nếu xem lên mạng là “nhiệm vụ” hoặc “biện pháp trừng phạt”, chứ không phải là biện pháp khen thưởng để vận dụng. Đây được coi là một kỹ xảo nhỏ.
Mấy điều trên rất dễ hiểu. Trong quá trình thao tác cụ thể, phụ huynh cần lưu ý mấy điểm sau:
Mỗi câu nói, mỗi hành động của bạn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của phương pháp. Ví dụ, bạn muốn con đọc nhiều sách ngoài giờ học, liền kéo trẻ ra khỏi máy tính, nhét vào tay trẻ một quyển sách, nói với trẻ rằng phải đọc sách nhiều, chơi game ít – làm như thế thực ra càng phá hoại niềm hứng thú đọc sách của trẻ hơn, càng khiến trẻ ham chơi game hơn.
Còn có những bậc phụ huynh nóng lòng muốn con học được cách tự quản lý mình, quy định nghiêm khắc thời gian học tập và nghỉ ngơi của trẻ, đặc biệt là thời gian chơi game, đến khi trẻ sắp xếp không ổn, liền phê bình trẻ không biết tự quản lý mình – như thế sẽ cướp đi cơ hội để trẻ học cách tự quản lý mình.
Nếu chỉ để “quản chặt” con trẻ, bạn hoàn toàn có thể làm như vậy, và thực hiện cũng rất đơn giản; nếu muốn “giáo dục” trẻ, để trẻ học được cách tự quản lý mình, thì bố mẹ phải động não rất nhiều.
Bố mẹ nên cố gắng ngăn trẻ đang trong độ tuổi vị thành niên chơi những trò game đầy yếu tố bạo lực và tình dục. Đồng thời định hướng đúng cho trẻ, để trẻ lựa chọn một số trò chơi có nội dung lành mạnh.
Bạo lực và tình dục không phải là thuộc tính bản chất của game, giống như có những loại sách vở cũng chứa đầy nội dung bạo lực và tình dục, nhưng đây không phải là thuộc tính bản chất của sách vở.
Can thiệp sẽ chỉ khiến con trẻ chơi game càng vô độ hơn, cái mà trẻ cần là phải học được cách làm chủ bản thân. Bố mẹ cần có đủ kiên nhẫn để trẻ trải nghiệm các cảm giác khác nhau trong quá trình tự mình phân bổ thời gian. Tốt nhất giữa bố mẹ và con không nên hình thành nên mối quan hệ quản thúc và bị quản thúc này, thời gian thiết lập mối quan hệ này càng dài, càng vững chãi, tính tự giác của trẻ sẽ càng kém.
Khi trẻ đạt được điểm cao hoặc làm tốt một việc gì đó, bố mẹ vui quá, liền lấy việc cho trẻ lên mạng hoặc lên mạng quá giờ làm phần thưởng – một mặt phụ huynh rất căm hận game online, một mặt lại coi việc lên mạng Internet là “phần thưởng” để tặng cho con. Và những thứ được coi là “phần thưởng” làm sao có thể là đồ xấu được – và thế là con trẻ đã bị đảo lộn trong nhận thức, niềm hứng thú chơi game của chúng càng bị kích thích mạnh hơn.
Mỗi lần con trẻ làm sai một chuyện gì đó, bố mẹ liền nói sẽ trừng phạt trẻ, lên mạng đi, buộc phải chơi đủ mười tiếng đồng hồ, không đủ sẽ phạt tiếp mười tiếng nữa, cho đến khi nào trẻ
mệt quá xin tha. Như thế, dần dần trẻ sẽ cảm thấy lên mạng không còn là một thú vui, mà là một sự trừng phạt. Nhiều lần như vậy, có thể sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý đối nghịch với mạng
Internet.